Chiều 24-9-2024, tại hội trường khách sạn Majestic, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) tổ chức hội thảo chủ đề: "Thúc đẩy du lịch Việt Nhật: Sức hấp dẫn từ các sản phẩm du lịch độc đáo".
Việt Nam có lợi thế hấp dẫn khách Nhật Bản
Ông Nguyễn Tiến Đạt - giám đốc kinh doanh tiếp thị, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) - cho biết Nhật Bản từ lâu được xem là một thị trường khách du lịch chất lượng cao với khả năng chi tiêu lớn. Tuy nhiên đại dịch COVID-19 đã tác động đến lượng khách du lịch Nhật Bản đến Việt Nam.
Có kinh nghiệm thu hút khách quốc tế, trong đó có khách Nhật Bản, ông Đạt chia sẻ nhiều thách thức khi cạnh tranh thu hút du khách quốc tế, nhất là khách Nhật Bản. Tại Saigontourist Group, có sự dịch chuyển đổi ngôi vị trí xếp hạng của du khách các nước đến Việt Nam, trong đó có phân khúc khách Nhật.
Ông Đạt kể trong 8 tháng đầu năm 2024, Saigontourist Group tiếp đón và phục vụ gần 1,4 triệu khách, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước. Đối với khách quốc tế, tổng công ty phục vụ 559.000 lượt khách, trong đó lĩnh vực lưu trú là 421.000 khách, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm trước; lĩnh vực lữ hành là 138.000 khách, tăng 84% so với cùng kỳ. Tỉ lệ khách Nhật Bản ước đạt 8% trong tổng số khách quốc tế do Saigontourist Group tiếp đón và phục vụ.
Ông Đạt đưa ra so sánh trong nhiều năm qua, Trung Quốc là thị trường khách số một của Việt Nam, mà gần đây Hàn Quốc đã soán ngôi và Mỹ là thị trường khách quan trọng, thì Nhật Bản là thị trường khách giàu tiềm năng tại châu Á, thị trường khách vô cùng hấp dẫn đối với Việt Nam.
Để thành công trong cuộc cạnh tranh thu hút du khách quốc tế, đặc biệt là du khách Nhật, ông Đạt đưa ra giải pháp thu hút khách hằng năm, thích ứng với những thay đổi của thị trường: chương trình hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch nhằm đẩy mạnh thu hút khách Nhật đến Việt Nam; xây dựng hình ảnh thương hiệu chuyên nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm; chú trọng đến yếu tố chất lượng dịch vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ tại các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng…
"Tùy vào từng thị trường khách quốc tế, Saigontourist Group áp dụng những chương trình, chính sách ưu đãi khác nhau, quan trọng nhất là phải làm sao cho khách hài lòng, hạnh phúc khi sử dụng dịch vụ.
Hằng tuần, hằng tháng, hằng quý chúng tôi đều áp dụng các chính sách khuyến mãi, hậu mãi mang lại nhiều lựa chọn, tập trung từng thị trường, kể cả thị trường ngách", ông Đạt cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Bác Toán - phó tổng giám đốc thương mại Vietjet - cho biết sau dịch COVID-19, năm 2022 với thị trường Nhật, lượng khách đạt khoảng 1,3 triệu khách, đến 2023 thì lên 2,9 triệu khách và năm nay trên 3 triệu. Như vậy khách Nhật, bao gồm mọi mục đích trong đó có du lịch, đang tăng trưởng, trong đó tại Vietjet là 35-40%.
Theo ông Toán, Vietjet là hãng bay đến Nhật Bản nhiều nhất với 11 tuyến bay. Riêng đến Tokyo, Vietjet đã khai thác đến 2 sân bay. Đầu tháng 10-2024, Vietjet có thể mở thêm những điểm khác nữa bên cạnh các điểm mà hãng đã bay charter (thuê bao nguyên chuyến), trong đó bao gồm chuyến bay đến một điểm du lịch hấp dẫn, nổi tiếng là Hokkaido.
Ông Toán cũng chỉ ra rằng thị trường du khách Nhật Bản bị ảnh hưởng vì nhiều nguyên nhân, trong đó có kinh tế suy giảm và đồng yen yếu đi nhiều. Ngoài ra, làn sóng người Nhật ra ngoài cũng giảm vì văn hóa mới, thế hệ mới không như xưa. Cách đây 10 năm, thị trường Nhật được xem là thị trường vàng, nhưng giờ không còn nữa.
Người Nhật nói về điểm đến Việt Nam
Bà Yoko Sakoda - phóng viên tự do, đam mê du lịch, đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1996, khi còn là sinh viên đại học - là một người rất mê Việt Nam. Bà cho hay rất cảm động vì có dịp tham gia một hội thảo về du lịch.
Bà xác nhận kể từ sau dịch, người Nhật giảm du lịch nước ngoài, nhưng Việt Nam vẫn là điểm đến thứ 5 sau các thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong… "Rất nhiều người bạn của tôi thích Việt Nam. Tuy vậy, bối cảnh của Nhật Bản kinh tế suy thoái, lương ảnh hưởng đến thu nhập nên người Nhật không còn mặn mà đi nước ngoài. Người Nhật Bản chuyển sang khám phá trong nước, vì thế du lịch nội địa trở nên phổ biến hơn.
Nhưng Việt Nam vẫn là điểm đến du lịch phổ biến. Ngoài Hà Nội, TP.HCM, các điểm mới được ưa thích là Hội An, Phú Quốc…
Du khách Nhật Bản hiện vẫn thiếu thông tin về du lịch, sản phẩm mới. Vì thế, các thông tin quảng bá bằng tiếng Nhật Bản rất quan trọng. Một thuận lợi là người trẻ biết thêm tiếng Anh, nên các hoạt động quảng bá cũng cần lưu ý", nhà báo Nhật Bản nói.
Theo bà Sakoda, việc tiếp cận thông tin qua tiếng Nhật sẽ giúp người dân Nhật cảm thấy an tâm hơn, thoải mái và quyết định các chuyến đi dễ dàng, nhanh chóng hơn.
Đối với khách Nhật Bản, nhân dịp thành lập Chi hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản Saigontourist Group vào ngày 29-2-2024 và nhằm tiếp tục thu hút thị trường khách Nhật Bản, trên 70 khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, khu giải trí, công ty lữ hành thuộc Saigontourist Group đã đồng loạt áp dụng chương trình khuyến mãi đặc biệt các dịch vụ phòng ngủ, ăn uống, tour tham quan.
Chương trình này được kéo dài đến hết năm 2024 và chúng tôi sẽ tính toán mở rộng áp dụng trong các năm tiếp theo.
Trong thời gian tới, Saigontourist Group còn dự kiến sẽ tổ chức các sự kiện kết nối, chương trình xúc tiến du lịch đa phương và song phương giới thiệu về sản phẩm du lịch Việt Nam và tạo cơ hội giao lưu, hợp tác giữa các doanh nghiệp; tham gia các hội chợ du lịch quốc tế tại Nhật Bản…
Sản phẩm du lịch hướng đến du khách trẻ
Ông Võ Việt Hòa, giám đốc khối du lịch quốc tế, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, cũng cho rằng trong thu hút khách Nhật Bản, chất lượng dịch vụ là quan trọng nhất. Và thị trường khách Nhật Bản không chỉ cạnh tranh trong nước mà cả láng giềng Thái Lan.
"Giải pháp với nhà cung ứng dịch vụ, có cố gắng để giảm chi phí, giảm giá để đáp ứng được đối tác Nhật Bản, trên tinh thần win-win (nguyên tắc đàm phán kinh doanh cùng có lợi - PV). Thị trường Nhật Bản đỡ vé máy bay vì đến một điểm, ít sử dụng vé máy bay trong nước nên không ảnh hưởng nhiều", ông Hòa nói.
Liên quan đến làm sao phát triển dịch vụ sản phẩm, chẳng hạn các bạn trẻ Nhật Bản đến đường Thái Văn Lung (quận 1), ông Hòa cho biết thêm Saigontourist có kinh nghiệm phục vụ khách Nhật rất lâu và đang có những điều chỉnh để thích ứng với xu hướng du lịch mới.
"Mới đây có thống kê khách lẻ đặt online đạt 50% so với khách Nhật đặt qua đối tác. Khách Nhật Bản thay đổi theo xu hướng thế giới, nhất là khách trẻ, và website chúng tôi xây dựng là tiếng Anh và sẽ đổi mới trang web.
Khách Nhật đến Việt Nam là khách trẻ, đặt thẳng dịch vụ từ Nhật, đó là thói quen đặt thẳng và tự đi khám phá. Các sản phẩm ở TP.HCM mới thì không phải quá mới, nhưng khách lẻ ở Nhật đã có lâu, nay chúng ta nâng lên thành khu chuyên phục vụ khách Nhật", ông Hòa nói thêm.
Với công tác quảng bá, xúc tiến, các doanh nghiệp tham gia tọa đàm cho rằng hoạt động này ở thị trường Nhật Bản đang thuận lợi hơn, nhờ người Nhật đang cải thiện tiếng Anh rất tốt nên dễ tiếp cận các kênh mạng xã hội quốc tế.
Các thông tin về điểm đến, du lịch Việt Nam trên mạng xã hội được người Nhật tìm hiểu rất kỹ, có nhiều thông tin. Ngoài ra, bản thân Saigontourist cũng chuyển thêm nhiều thông tin sản phẩm tiếp thị bằng tiếng Nhật.
"Xúc tiến, quảng bá truyền thống roadshow cần có sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý để người Nhật trực tiếp biết đến các nét đẹp văn hóa, còn công ty du lịch vẫn sẽ thông qua các đối tác Nhật Bản cập nhật những sản phẩm mới nhất", ông Hòa chia sẻ.
Trong khi đó, ông Hoàng Mạnh Đăng, tổng giám đốc Công ty cổ phần du lịch Apex Việt Nam, cho rằng khi xác định đường nhóm du khách mới thì cần có sản phẩm mới để khai thác hiệu quả, và phân khúc sản phẩm có thể cân nhắc đầu tư phát triển là du lịch học đường.
Ông Đăng nói: "Gói du lịch học đường xuất phát từ Tây Nam của Nhật. Năm 2014 có nhiều chương trình của Nhật cho học sinh qua Việt Nam, nhờ kênh ngoại giao nhân dân.
Hằng năm, 3.000 đến 4.000 học sinh qua theo chương trình như vậy, nhưng hiện tại đang bị ngưng vì nhiều lý do. Thị trường khách này đang bị điểm nghẽn, mà cụ thể là phụ thuộc đường bay, hàng không.
Giữa tháng 10 này, có 500 em bay quá cảnh sang đây. Tuy vậy, nhiều địa phương Nhật Bản chưa có đường bay quốc tế đến Việt Nam. Nếu có ngân sách từ chính quyền, kết hợp cùng hàng không, tôi nghĩ sẽ hỗ trợ được ngay".
Những lý do tác động đến đi du lịch nước ngoài của khách Nhật Bản, xếp theo thứ tự từ cao đến thấp, tác động đến lựa chọn điểm đến của họ. Đối tượng được phỏng vấn từ 18 tuổi đến những người trên 65 tuổi:
• Có đường bay trực tiếp (32,4%)
• Trật tự trị an tại điểm đến được đảm bảo (30,9%)
• Khoảng cách gần Nhật (27,9%)
• Thông dụng tiếng Nhật (17,6%)
• Vật giá rẻ (16,2%)
• Có thể cảm nhận được sự phong phú về mặt văn hóa tại điểm đến (16,2%)
• Các trải nghiệm mới (14,7%)
• Vấn đề an toàn vệ sinh (12,5%)
• Thông dụng tiếng Anh (10,3%)
• Môi trường thiên nhiên tốt (10,3%)
Hội thảo nằm trong khuôn khổ hoạt động của hai Chi hội hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản TP.HCM tại báo Tuổi Trẻ và Saigontourist Group.
Sự kiện có sự hiện diện cơ quan ngoại giao Nhật Bản, cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, tập đoàn doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực vận chuyển hàng không, du lịch inbound: Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM, Sở Du lịch TP.HCM; Lữ hành Saigontourist, Hãng hàng không Vietjet, Chi hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản TP.HCM, Trường trung cấp Du lịch & Khách sạn Saigontourist, đại diện Tiktok APAC, Google, Travel Blogger…