Việt Nam - Nga thúc đẩy hợp tác giáo dục, khoa học công nghệ

1 tuần trước kia 9
)

Thứ ba, 24/9/2024, 20:19 (GMT+7)

Việt Nam và Nga tìm các giải pháp để thực hiện hiệu quả hơn hợp tác giữa hai nước, trong đó có thực hiện nghiên cứu chung và chuyển giao công nghệ mới trong các lĩnh vực thế mạnh.

Ngày 24/9, Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ do Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt làm Trưởng đoàn đã làm việc với Bộ Khoa học và Giáo dục đại học Liên bang Nga. Buổi làm việc trong khuôn khổ chuyến thăm từ 23-28/9 nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa Việt Nam - Liên bang Nga trong lĩnh vực giáo dục, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tại buổi làm việc Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết từ tháng 11/2014, Chính phủ hai nước đã ký Hiệp định về đối tác chiến lược trong lĩnh vực giáo dục, khoa học, công nghệ, đặt dấu mốc quan trọng trong hợp tác giữa hai nước. Sau 10 năm, hoạt động hợp tác trong lĩnh vực này đã đạt những bước tiến đáng kể.

 HTQT

Bộ trưởng Bộ Khoa học - Giáo dục đại học Liên bang Nga V.I. Falkov (trái) và Bộ trưởng Khoa học - Công nghệ Huỳnh Thành Đạt. Ảnh: HTQT

Để hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực giáo dục, khoa học - công nghệ tăng cường hơn, Bộ trưởng Đạt đề xuất định kỳ hàng năm tổ chức các Khóa họp Ủy ban hợp tác Việt Nam - Liên bang Nga về giáo dục và khoa học - công nghệ. Hai bên tổ chức tuyển chọn các nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu chung trong nghiên cứu cơ bản; nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng trong lĩnh vực Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội và Nhân văn; Khoa học biển và khoa học cơ bản. Hai bên tăng cường trao đổi, hợp tác và chuyển giao các công nghệ mới phù hợp với điều kiện của Việt Nam trong các lĩnh vực thế mạnh của Nga như: công nghệ vật liệu (vật liệu tiên tiến, vật liệu công nghệ cao), năng lượng mới, năng lượng thân thiện với môi trường và tiết kiệm tài nguyên, công nghệ thông tin và truyền thông, nano, tự động hóa và chế tạo máy, trí tuệ nhân tạo. Hai bên tăng cường trao đổi đoàn tham gia vào các sự kiện về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo lớn được tổ chức ở hai nước.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục đại học Liên bang Nga V.I. Falkov đánh giá cao và khẳng định hợp tác giáo dục, khoa học và công nghệ giữa hai nước đã đạt những bước tiến đáng ghi nhận. Ông cũng mong muốn hai bên thống nhất các biện pháp cụ thể để thúc đẩy hơn nữa hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Hợp tác trong lĩnh vực khoa học - công nghệ được xem là một trong những trụ cột của mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Ngay sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 30/1/1950, hai nước đã dành ưu tiên trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật thông qua việc ký Hiệp định hợp tác khoa học kỹ thuật giữa Việt Nam và Liên Xô (cũ) vào ngày 07/3/1959. Trong hơn 65 năm qua, hợp tác khoa học - công nghệ giữa hai nước song hành cùng với sự thành lập và hoạt động của Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật nhà nước (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ).

Trong 65 năm hợp tác, hai nước đã ký các Hiệp định, thỏa thuận như: Hiệp định liên Chính phủ về hợp tác khoa học - công nghệ (1992); Hiệp định liên Chính phủ về hợp tác trong lĩnh vực sử dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hòa bình (2002); Hiệp định liên Chính phủ về hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu và sử dụng khoảng không vũ trụ vào mục đích hòa bình (2013); Hiệp định liên Chính phủ về hợp tác trong lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (2008).

Tháng 11/2014, mối quan hệ hợp tác Việt - Nga về khoa học và công nghệ được nâng lên tầm chiến lược khi hai nước ký Hiệp định đối tác chiến lược về giáo dục, khoa học - công nghệ. Triển khai Hiệp định này, Ủy ban hợp tác Việt Nam - Liên bang Nga về giáo dục, khoa học - công nghệ đã được thành lập với Đồng Chủ tịch Phân ban ở cấp Thứ trưởng.

Bảo Chi

Đọc toàn bộ bài viết
@2024