Cùng dự có các phó thủ tướng Chính phủ: Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc; các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; lãnh đạo các bộ, ngành trung ương; lãnh đạo 12 tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp tư nhân hàng đầu của đất nước.
Kinh tế tư nhân - Động lực quan trọng trong chiến lược phát triển quốc gia
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết sự kiện này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với khu vực kinh tế tư nhân - một động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.
Theo Thủ tướng, khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 45% GDP, 30% nguồn thu ngân sách nhà nước và thu hút 85% lực lượng lao động. Đặc biệt, tỉ lệ đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp của khu vực này chiếm khoảng 34%. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã phát triển mạnh mẽ, tích lũy đủ năng lực về vốn, công nghệ và quản trị, xây dựng thương hiệu vươn ra thị trường khu vực và thế giới.
Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, cộng đồng doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp tư nhân, đã đóng góp quan trọng giúp Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Bên cạnh đó, trước những biến động khó lường của tình hình thế giới, các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng đất nước vượt qua khó khăn, thúc đẩy phục hồi kinh tế, đảm bảo các cân đối lớn và kiểm soát lạm phát.
Thủ tướng Chính phủ bày tỏ mong muốn cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, cùng đất nước phát triển với tinh thần "cùng làm, cùng thắng, cùng phát triển". Ông kêu gọi doanh nghiệp Việt Nam tiên phong trong đổi mới sáng tạo, tham gia tích cực vào việc thực hiện các đột phá chiến lược, đặc biệt là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam hiện có hơn 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài ra còn có khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Một số tập đoàn tư nhân lớn như Vingroup, Thaco, Hòa Phát, SOVICO, TH đã vươn ra thị trường khu vực và thế giới, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.
Từ một nền kinh tế lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong 40 nền kinh tế hàng đầu thế giới, với quy mô thương mại trong top 20 quốc gia. Quy mô nền kinh tế đã tăng từ 26,3 tỉ USD trong những năm đầu đổi mới lên hơn 430 tỉ USD vào năm 2023. Việt Nam được quốc tế công nhận là một điểm sáng về xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống người dân.
Tuy nhiên trước những thay đổi lớn của thế giới, bao gồm sự ra đời của các ngành công nghiệp mới và sự điều chỉnh trong cấu trúc đầu tư thương mại toàn cầu, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức cũng như cơ hội mới. Bối cảnh này đặt ra yêu cầu phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững, với mục tiêu đạt net zero vào năm 2050.
Đồng thời cần tập trung thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp tiên phong như bán dẫn, AI, hydro xanh, đẩy mạnh tăng trưởng dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tại hội nghị, Thường trực Chính phủ lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp về tình hình hoạt động, khó khăn vướng mắc và đề xuất giải pháp.
Mục tiêu là cùng các doanh nghiệp lớn tiên phong xác định và thực hiện các dự án mang tầm quốc gia, hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, theo định hướng của Đại hội XIII của Đảng.
Tuổi Trẻ tiếp tục cập nhật.