Nhà giá rẻ khan hiếm, lý do khó bán đấu giá căn hộ tái định cư

2 nhiều tháng trước kia 23
)

Vietstock - Nhà giá rẻ khan hiếm, lý do khó bán đấu giá căn hộ tái định cư

Người thu nhập thấp tại TPHCM khó tiếp cận nhà ở vì khan hiếm nguồn cung và giá bán cao, trong khi vẫn còn 9.000 căn hộ tái định cư đang bỏ trống. Tuy vậy, những căn hộ không người ở này lại khó chuyển sang nhà ở xã hội.

* Hàng ngàn căn hộ tái định cư bỏ trống, có người dọn về rồi lại chuyển đi

TPHCM hiện có gần 9.000 căn hộ tái định cư thuộc sở hữu Nhà nước chưa bố trí cho người dân. Trong khi những căn nhà này đang bị bỏ trống, người thu nhập thấp tìm ‘đỏ mắt” vẫn không mua được nhà giá rẻ.

Để có thêm góc nhìn thực tế và gợi mở các giải pháp sử dụng quỹ nhà tái định cư hiệu quả, Báo VietNamNet giới thiệu đến quý độc giả loạt bài “Tìm lời giải cho cả chục ngàn căn hộ tái định cư đang bỏ trống tại TPHCM”

Người thu nhập thấp ‘khát’ nhà giá rẻ

Là giáo viên của một trường tiểu học tại TP.Thủ Đức, chị Khánh Linh (32 tuổi, quê Đồng Tháp) cho biết đã sinh sống tại TPHCM hơn chục năm và vẫn đang ở trọ. Sau khi lập gia đình, chị Linh và chồng mong muốn sở hữu một căn hộ nhỏ để an cư. 

Với 1,5 tỷ đồng tích góp được và dự tính vay thêm ngân hàng, vợ chồng chị Linh nhắm đến một căn hộ nhà ở xã hội (NƠXH) tại TP.Thủ Đức được khởi công vào cuối năm ngoái. Tìm hiểu về tiêu chí, vợ chồng chị nhận thấy có đủ điều kiện để mua. Tuy nhiên, giá nhà tại dự án này vượt quá khả năng chi trả của hai người. 

Hàng ngàn căn hộ bỏ trống tại Khu tái định cư 38,4ha Bình Khánh, TP.Thủ Đức. Ảnh: Nguyễn Huế

Trước thông tin hàng ngàn căn hộ tại Khu tái định cư 38,4ha Bình Khánh, TP.Thủ Đức vẫn đang bỏ trống, chị Khánh Linh cho hay nếu những căn hộ này được chuyển sang NƠXH với mức giá hợp lý thì những người thu nhập thấp như chị có khả năng tiếp cận được. 

Vài tháng qua, anh Hoàng Anh (ngụ Q.Gò Vấp) cũng đang tìm mua một căn hộ NƠXH giá tầm 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua khảo sát thị trường, với mức giá này, anh chỉ mua căn hộ chung cư ở vùng ven hoặc sang tỉnh lân cận.

Theo anh Hoàng Anh, 5 năm trở lại đây, giá NƠXH tại TPHCM liên tục tăng. Nếu như trước năm 2019, nhiều dự án có giá bán loanh quanh 16 triệu đồng/m2 thì đến năm 2022 đã tăng vọt lên 20-25 triệu/m2. Hiện nay, giá NƠXH đã tiệm cận 40 triệu/m2 nhưng muốn mua cũng không dễ vì quá ít dự án. 

Người đàn ông ngồi trước một toà nhà không người ở tại Khu tái định cư 38,4ha Bình Khánh. Ảnh: Nguyễn Huế

Trong bối cảnh TPHCM thiếu nguồn cung nhà ở thương mại lẫn NƠXH, theo số liệu Sở Xây dựng vừa công bố, hiện trên địa bàn thành phố có 8.948 căn hộ tái định cư thuộc sở hữu nhà nước chưa bố trí cho người dân. Những căn hộ đang bỏ trống này thuộc 85 chung cư hoặc cụm chung cư tại 17 quận, huyện.

Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng, Sở Xây dựng đã tiếp nhận 8.461 căn hộ và chuẩn bị tiếp nhận thêm 487 căn hộ từ các địa phương. Trong gần 8.500 căn hộ đang quản lý, đơn vị thuộc Sở Xây dựng đang nợ 81 tỷ đồng tiền phí quản lý.

Đấu giá ‘trọn gói’ cả ngàn căn hộ khó khả thi  

Tại buổi làm việc với UBND TPHCM vào giữa tháng 5/2024, bà Tô Thị Bích Châu - Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đặt vấn đề với lãnh đạo TP về thực trạng hàng ngàn căn hộ tái định cư bỏ trống và hỏi hướng giải quyết ra sao.

Trả lời câu hỏi trên, ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó giám đốc Sở Xây dựng, cho biết ngoài 9.000 căn hộ bỏ trống, TP hiện còn hơn 2.000 nền đất tái định cư chưa bố trí cho người dân. 

Đối với Khu tái định cư Vĩnh Lộc B và Khu tái định cư 38,4ha Bình Khánh, TP đã có kế hoạch bán đấu giá 4.900 căn hộ và 42 nền đất. Cần tổ chức bán đấu giá theo đúng quy định vì đây là quỹ nhà ở được tạo lập từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. 

Cảnh hoang vắng tại Khu tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh. Ảnh: Anh Phương

Theo Phó giám đốc Sở Xây dựng, trước đây, TPHCM từng có chủ trương chuyển các căn hộ tái định cư phục vụ dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm sang nhà ở thương mại. Tuy nhiên, có nhiều vướng mắc nên chưa thể thực hiện theo hình thức này. 

“Khi xác định giá gốc của những căn hộ tái định cư này để chuyển sang nhà ở thương mại, các đơn vị tính ra mức giá 27 triệu đồng/m2, chưa bao gồm tiền bồi thường, tiền sử dụng đất và chi phí khác theo lãi vay. Đây là mức giá quá cao và không khả thi”, ông Khiết chia sẻ.

Riêng 3.790 căn hộ đang bỏ trống tại Khu tái định cư 38.4ha Bình Khánh, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, sẽ hoàn tất hồ sơ pháp lý trước tháng 8/2025. Theo kế hoạch, thời điểm tổ chức bán đấu giá dự kiến trước tháng 11/2025. 

Đây là lần thứ tư TPHCM đưa ra kế hoạch bán đấu giá 3.790 căn hộ tái định cư nói trên. Cụ thể, lần đầu tiên vào năm 2017, giá khởi điểm là 8.800 tỷ đồng. Lần thứ hai vào năm 2018, giá khởi điểm tăng lên 9.100 tỷ. Lần gần nhất vào năm 2019, giá khởi điểm là 9.900 tỷ. 

Trong ba lần kể trên, mức giá khởi điểm của 3.790 căn hộ đều tăng lên nhưng TPHCM vẫn chưa tổ chức cuộc đấu giá chính thức nào. 

Chia sẻ với PV VietNamNet, một lãnh đạo Sở TN-MT cho hay, do 3.790 căn hộ nói trên là tài sản công nên trước khi đưa ra bán đấu giá phải hoàn tất rất nhiều thủ tục pháp lý. 

Thủ tục theo trình tự như sau: Chuyển đổi mục tiêu từ quỹ nhà tái định cư sang nhà ở thương mại; xác lập sở hữu toàn dân với các hạng mục sử dụng chung như hành lang, cầu thang, công viên; phân cấp thẩm quyền và ra quyết định bán đấu giá; xác định giá khởi điểm…

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), đối với việc bán đấu giá căn hộ tái định cư tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, những năm qua, hiệp hội đã có rất nhiều kiến nghị. Nếu cứ đấu giá “trọn gói” 3.790 căn hộ như trước đây thì sẽ khó thành công. 

Ông cho rằng nên chia thành các gói thầu nhỏ rồi đấu giá hoặc đấu giá từng căn riêng lẻ thì sẽ khả thi hơn. Toàn bộ phần khối đế chung cư nên bán đấu giá cho các doanh nghiệp bất động sản có năng lực bởi khi khối dịch vụ chung cư vận hành tốt thì người dân mới mua nhà ở đây để ở.

Anh Phương

Đọc toàn bộ bài viết
@2024