Vietstock - Giải pháp đẩy mạnh hoạt động sản xuất công nghiệp tại Cần Thơ
Nhờ triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị 13/CT-UBND ngày 07/5/2024 của UBND thành phố về việc tăng cường hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP. Cần Thơ, tốc độ phục hồi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh dần được cải thiện, qua đó thúc đẩy tốc độ tăng trường toàn nền kinh tế.
Số liệu thống kê cho thấy, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp thực hiện đến tháng 8 năm 2024 ước tăng 2.1% so tháng trước và tăng 11.3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 12.9%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1.9%. Tính chung 8 tháng năm 2024, IIP ước tính tăng 6.4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 6.5%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6.4%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1.1%. Đạt được những kết quả này là nhờ sự chủ động của các sở, ban, ngành và các cơ quan liên quan của thành phố trong việc tăng cường hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh sản xuất công nghiệp trên địa bàn.
Hướng dẫn, giúp đỡ các doanh nghiệp nắm bắt thị trường
Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương đã phối hợp với các bên liên quan tập trung hướng dẫn, giúp đỡ các doanh nghiệp, người sản xuất kinh doanh trong hoạt động sản xuất kinh doanh bám sát tín hiệu thị trường; kịp thời có những thông tin, cảnh báo, hướng dẫn doanh nghiệp phản ứng phù hợp khi đối mặt với các rào cản kỹ thuật trong phòng vệ thương mại của các nước.
Cụ thể, cung cấp thông tin tình hình xuất nhập khẩu giữa thành phố Cần Thơ với các nước (trên 19 lượt nước) như: Australia, Đức, Thụy Sỹ, Hungary, Rumani, Malaysia, Thái Lan, Hà Lan, Nhật Bản, Lào, Campuchia, Ba Lan, Phần Lan, New Zealand, Trung Quốc,... Đồng thời, cung cấp danh sách các doanh nghiệp nhập khẩu của Đức, Rumani, Thụy Sỹ, Cộng hòa Séc; thông tin Thương vụ Việt Nam tại Algeria; triển khai kế hoạch thực hiện các Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA, Hiệp định UKVFTA,….
Bên cạnh đó, thành phố còn tiếp và làm việc với Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ để trao đổi về công tác phối hợp triển khai các hoạt động trong khuôn khổ đề án đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối nước ngoài; gửi văn bản đến Đại sứ quán Việt Nam tại các nướcđề nghị hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp thành phố Cần Thơ trong tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, hàng hóa, tham mưu có ý kiến về nội dung hợp tác với thành phố Nasushiobara, Nhật Bản, tiến hành khảo sát thị trường xuất khẩu ngành cung cấp các sản phẩm và dịch vụ hợp chuẩn cho người Hồi giáo (Halal),...
Cấp giấy Chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu (C/O). Lũy kế 05 tháng đầu năm 2024, đã tiếp nhận và cấp 5,488 bộ hồ sơ (tăng 560 bộ, tỷ lệ tăng 11.4% so với cùng kỳ năm trước) với kim ngạch xuất khẩu đạt 387.72 triệu USD, trong đó cấp
2,264 bộ cho doanh nghiệp thành phố Cần Thơ. Tất cả hồ sơ đều đúng và trước hạn, góp phần ưu đãi thuế cho doanh nghiệp.
Thực hiện có hiệu quả chương trình kết nối doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn các dự án năng lượng
Thực hiện có hiệu quả chương trình kết nối doanh nghiệp, thành phố đã triển khai các giải pháp hỗ trợ khôi phục sản xuất gắn với việc thực hiện cơ cấu lại ngành công nghiệp của thành phố. Đồng thời, phối hợp với các ngành, địa phương cũng thường xuyên tổ chức thăm làm việc với doanh nghiệp để nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; tập trung tháo gỡ thực chất khó khăn của doanh nghiệp theo thẩm quyền và phản ánh với cấp trên những vấn đề vượt thẩm quyền, cụ thể như, tổ chức buổi thăm làm việc nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh tại Công ty Phạm Nghĩa, HTX Kim Hưng, HTX Nhất Tâm, Công ty Thuốc sát trùng Cần Thơ, Nhà máy chế biến lương thực và sản xuất phân bón ADC và ADC Ô Môn,... để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn theo quy định.
Bên cạnh đó, thành phố cũng chủ động giải quyết dứt điểm một số tồn tại trong hành lang an toàn tuyến đường dây 500kV Ô Môn - Long Phú ở huyện Phong Điền để sớm đưa vào sử dụng; gửi công văn yêu cầu khẩn trương di dời đường điện cao thế 220kV bị ảnh hưởng bởi dự án: Đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, Dự án thành phần 2 đoạn qua địa bàn thành phố Cần Thơ. Hỗ trợ chủ đầu tư KCN Vĩnh Thạnh (VSIP) thống nhất phương án triển khai hệ thống điện 110kV; đồng thời, phối hợp với Công ty điện lực thành phố Cần Thơ rà soát vấn đề cung cấp điện nhằm đảm bảo nguồn cấp điện trong thời gian tới cho các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố
Đồng thời, triển khai các thủ tục bàn giao đất và xem xét phê duyệt hồ sơ mời thầu gói EPC đối với Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II và tiến hành thực hiện thủ tục thu hồi và cấp lại Chứng nhận quyền sử dụng đất theo yêu cầu của PVN đối với NMNĐ Ô Môn III; trao đổi thống nhất thực hiện thủ tục thuê đất để thực hiện đầu tư xây dựng dự án và Nhà máy nhiệt điện Ô Môn IV.
Đẩy mạnh hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP. Cần Thơ, qua đó thúc đẩy tốc độ phục hồi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh dần được cải thiện, đẩy nhanh tốc độ tăng trường toàn nền kinh tế, UBND thành phố yêu cầu Sở Công thương phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương có liên quan triển khai một số giải pháp sau:
Thứ nhất, chủ động nắm thông tin, tổng hợp phản ánh kiến nghị và kịp thời tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm như: Cụm năng lượng Ô Môn, Chợ đầu mối nông, thủy sản ĐBSCL, Trung tâm Thương mại, dịch vụ và chợ Hưng Thạnh; Trung tâm logistics hàng không gắn với Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, Trung tâm Logistics hạng II gắn với cảng Cái Cui,...
Thứ hai, tham mưu tổ chức Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó chia từng nhóm nhỏ các doanh nghiệp như: doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, siêu thị và cửa hàng tiện lợi,...để giải quyết cụ thể những khó khăn, vướng mắc về sản xuất và mở rộng thị trường, vốn, nhân công, đất đai,...
Thứ ba, chủ động phối hợp với các Sở, ngành tập trung nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường, quảng bá sản phẩm; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thực chất để tăng tốc độ phục hồi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thứ tư, tiếp tục triển khai các nhiệm vụ thuộc Đề án “Tái cơ cấu sản xuất công nghiệp thành phố Cần Thơ theo hướng hiện đại”; Đề án “Phát triển ngành công nghiệp chế biến chuyên sâu thành phố Cần Thơ đến năm 2025”; kế hoạch “Phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030”; Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021-2030; phương án phát triển ngành công nghiệp theo Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030,...
Thứ năm, hoàn thiện quy chế quản lý Cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ; phối hợp xây dựng bản đồ số ứng dụng công nghệ thực tế ảo VR360 về quy hoạch các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn để phục vụ kêu gọi nhà đầu tư quan tâm các dự án quy hoạch trên địa bàn thành phố.
Thứ sáu, tổ chức thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, tập trung thực hiện số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức đối với công tác cải cách thủ tục hành chính bằng nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú và phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Đinh Tấn Phong