Gia hạn nợ, cẩn thận nợ xấu 'ẩn mình'

2 nhiều tháng trước kia 34
)

 NGỌC HIỂN

Việc gia hạn thông tư 02 thêm 6 tháng sẽ giúp các doanh nghiệp giảm áp lực tài chính, trả nợ vay - Ảnh: NGỌC HIỂN

Trao đổi với Tuổi Trẻ, các chuyên gia tài chính cho rằng việc kéo dài giãn nợ vừa giúp ngân hàng không phải trích lập dự phòng, ảnh hưởng đến lợi nhuận, đồng thời doanh nghiệp (DN) có thêm thời gian trả nợ.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo cần giải pháp để tăng chất lượng khoản vay, DN thực sự khỏe lên, tránh nguy cơ tỉ lệ nợ xấu tăng đột biến, các khoản nợ nhảy nhóm khi thông tư này hết hiệu lực vào cuối năm.

* PGS.TS Nguyễn Hữu Huân (giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế TP.HCM):

Tỉ lệ nợ xấu sẽ tăng khi thông tư 02 hết hiệu lực

Gia hạn nợ, cẩn thận nợ xấu 'ẩn mình'- Ảnh 2.

Tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn, phục hồi chậm cả trong và ngoài nước dẫn đến khả năng thanh toán nợ của các DN bị ảnh hưởng. Hệ quả là nợ xấu đang có xu hướng gia tăng toàn ngành ngân hàng, có thể tạo nên làn sóng phát mãi tài sản cũng như làn sóng phá sản của DN.

Do đó, việc kéo dài thông tư 02 giúp các ngân hàng có thêm thời gian đối phó, xử lý nợ xấu và cũng gỡ khó cho các DN trong việc tiếp cận vốn, có kế hoạch trả nợ phù hợp. Khi tình hình kinh tế tốt hơn, DN có khả năng trả được những khoản nợ.

Tuy nhiên bên cạnh mặt tích cực, chính sách này cũng có mặt trái khi đây như là "bức màn che nợ xấu" bởi quy mô, tỉ lệ nợ xấu thực sự sẽ "ẩn mình" vì chưa phải trả, các nhóm nợ vẫn được giữ nguyên.

Nếu cuối năm nay NHNN không kéo dài thêm thông tư, lúc đó tỉ lệ nợ xấu có thể tăng lên rất lớn, thậm chí gấp đôi gấp ba so với con số hiện nay nếu các DN vẫn chưa tăng được dòng tiền, hiệu quả kinh doanh chưa cải thiện. Điều này có thể gây ra một cú sốc tâm lý với nhà đầu tư và người dân, tạo rủi ro tiềm ẩn cho hệ thống ngân hàng.

Cách chúng ta đang xử lý nợ xấu hiện tại giống như việc làm mát một động cơ đang quá nóng, nhưng qua đó cũng ảnh hưởng đồng hồ đo nhiệt độ. Song nhìn chung việc gia hạn nợ vẫn là giải pháp mang tính tình thế tốt nhất hiện nay, bởi với tiềm lực của các DN hiện tại, tình hình bất động sản vẫn còn khó khăn, rất khó để xử lý nợ xấu và khó để có giải pháp tối ưu hơn.

Đến cuối năm nay, nếu tình hình DN vẫn chưa khả quan, chắc chắn NHNN phải tính đến phương án tiếp tục gia hạn thông tư. Tuy nhiên, đỉnh nợ xấu tôi dự đoán sẽ rơi vào quý 3 năm nay và vẫn duy trì ở mức cao, sau đó có xu hướng giảm nếu có yếu tố cực kỳ quan trọng: kinh tế hồi phục. Đây cũng là những điều kiện để siết chặt lại từ từ việc xử lý nợ xấu.

* PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (chuyên gia tài chính):

Yêu cầu ngân hàng quản lý rủi ro, trích lập dự phòng phù hợp

Gia hạn nợ, cẩn thận nợ xấu 'ẩn mình'- Ảnh 3.

Việc gia hạn thông tư 02 là giải pháp tích cực cho cả DN lẫn ngân hàng. Đối với DN, thông tư giúp cho những khoản nợ chưa trả được hoặc có nguy cơ sẽ không bị chuyển sang nợ xấu, nhảy nhóm nợ, đồng thời DN vẫn có quyền tiếp cận vốn vay từ hệ thống ngân hàng. Từ đó, DN vẫn có được vốn để tiếp tục kinh doanh, tái cấu trúc một cách hiệu quả, vẫn có nguồn lực để trả nợ và lãi vay cho ngân hàng.

Phía ngân hàng cũng được lợi, bởi khi giãn hoãn nợ, ngân hàng không nâng nhóm nợ, không có các biện pháp hạn chế thì ngân hàng vẫn giải ngân, giúp DN vượt qua khó khăn, giúp DN trả nợ, ngân hàng phần nào bớt đi nguy cơ mất lãi, mất gốc…

Tuy nhiên có một điều nguy hiểm khi áp dụng chính sách này, đó là bên cạnh những DN tích cực tận dụng chính sách như kể trên, cũng sẽ có những DN không tận dụng được cơ hội từ nguồn vốn này, ngân hàng cứ cho vay sẽ tăng gánh nặng cho bản thân DN, nợ xấu cũng tăng cao, kéo theo nguy cơ mất vốn.

Rõ ràng chính sách này có những mặt tích cực nên cả DN lẫn ngân hàng đều mong chờ việc giãn, hoãn nợ. Song để phát huy mặt tích cực của chính sách, các DN phải tự tái cấu trúc, phải sử dụng vốn hiệu quả, đặt ra mục tiêu trả nợ và lãi vay.

Đồng thời ngân hàng cũng phải kiểm tra giám sát các DN, đánh giá đúng những DN nào có khả năng hồi phục, có khả năng trả nợ vay và lãi vay để hỗ trợ cho DN trong quá trình tái cấu trúc cũng như cấp vốn cho sản xuất kinh doanh. Điều này sẽ tạo nên thế bền vững cho cả hai bên.

Nhà nước cũng cần có sự kiểm tra giám sát để DN thực hiện đúng các quy định của Nhà nước và các cơ quan chức năng có liên quan cũng cần tạo điều kiện tối đa cho các DN sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, giúp DN phục hồi.

Đặc biệt, NHNN và Chính phủ cần yêu cầu các ngân hàng quản lý rủi ro, trích lập dự phòng phù hợp, tránh trường hợp nợ xấu tăng lên đột biến trong thời gian tới ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng, thậm chí gây rủi ro cho cả hệ thống.

* Ông Lê Viết Hải (phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam - VACC):

Mong thông báo sớm

Gia hạn nợ, cẩn thận nợ xấu 'ẩn mình'- Ảnh 4.

Thực tế các DN bất động sản còn rất khó khăn, khả năng thanh toán nợ cho các nhà thầu vẫn rất chậm, nhiều DN vẫn chưa cân đối dòng tiền để triển khai tiếp dự án. Rất nhiều dự án còn giậm chân tại chỗ, chưa xây tiếp. Do đó, việc giãn, hoãn nợ sẽ giảm bớt khó khăn cho DN.

Hiện các nhà thầu vẫn còn khó khăn lớn về tài chính, có DN khó khăn ở mức nghiêm trọng. Do đó các DN mong muốn chính sách giãn, hoãn nợ này kéo dài thêm một năm, tới giữa 2025. Tuy nhiên nếu tiếp tục gia hạn thông tư này, cần công bố trước khi đến thời hạn khoảng 2 tháng, ví dụ công bố vào tháng 4-2024 thay vì đến tháng 6-2024, bởi đến sát nút, các DN sẽ rất khó với những khoản nợ đã đến kỳ thanh toán.

Ngoài ra, bản thân DN cũng phải rất nỗ lực để cải thiện tài chính, trả nợ gốc, lãi vay. Như DN của chúng tôi phải phát hành cổ phiếu cho nhà thầu phụ để giảm áp lực trả nợ, bán các thiết bị máy móc… Các DN cũng phải đẩy mạnh tái cấu trúc.

Với lĩnh vực bất động sản, chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng có giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ kịp thời vướng mắc pháp lý cho các dự án, giúp thị trường khôi phục để DN có dòng tài chính ổn định.

Đọc toàn bộ bài viết
@2024