(GVNET) – Tóm tắt
- Vàng thế giới băng băng lên đỉnh cao mới gần 2640 USD/ounce.
- Được thế giới “tiếp sức”, vàng nhẫn đã có màn trình diễn không thể ấn tượng hơn với mức giá cao không tưởng.
- Đà tăng mạnh khiến vàng nhẫn trở nên hấp dẫn hơn, nhưng các doanh nghiệp vẫn giữ biên độ mua – bán ổn định.
Nội dung
Cập nhật lúc 11h30 ngày 24/9, Vàng nhẫn SJC niêm yết giao dịch mua – bán tại 80,00 – 80,30 triệu đồng/lượng, tăng 500.000 đồng/lượng chiều mua và bán so với giá chốt phiên 23/9.
Bảo Tín Minh Châu điều chỉnh giá mua và bán cùng tăng 400.000 đồng/lượng so với chốt phiên thứ Hai, giao dịch hiện đứng tại 80,48 – 81,58 triệu đồng/lượng.
Tăng 400.000 đồng/lượng cả hai chiều mua – bán so với chốt phiên hôm qua, nhẫn Phú Quý đẩy giao dịch lên 80,50 – 81,60 triệu đồng/lượng.
Cùng ghi nhận nhịp tăng 400.000 đồng/lượng cả chiều mua và bán so với giá chốt phiên trước, nhẫn Doji đẩy giá mua – bán lên 80,50 – 81,60 triệu đồng/lượng.
Với nhịp tăng 400.000 đồng/lượng mua vào và 500.000 đồng/lượng bán ra, nhẫn VietNamgold đưa giá mua lên 80,40, giá bán đạt 81,75 triệu đồng/lượng.
Đồng vàng Hanagold 24K hiện niêm yết giao dịch mua – bán tại 80,59 – 80,39 triệu đồng/lượng, chênh lệch mua – bán chỉ có 800.000 đồng/lượng.
Tăng 1,5 triệu đồng, vàng miếng SJC có giá 83,5 triệu đồng – cao nhất kể từ ngày 3/6, cao hơn mức đỉnh hiện tại của thị trường vàng nhẫn 1,75 triệu đồng, tăng mạnh so với khoảng cách 900.000 đồng hôm qua.
Với kỷ lục 2638 USD, vàng thế giới quy đổi theo tỷ giá trên thị trường tự do (25.070 USD/ounce) đạt 80,6 triệu đồng/lượng (đã bao gồm thuế, phí), thấp hơn vàng nhẫn 1,1 triệu đồng – tăng gần 400.000 đồng so với phiên hôm qua.
Mặc dù biến động mạnh và liên tục trong thời gian gần đây, thị trường vàng nhẫn vẫn giữ chênh lệch mua – bán khá ổn định. Hiện mức chênh ở ngưỡng 1-1,35 triệu đồng và phổ biến ở mức 1,1 triệu đồng.
Trước diễn biến tăng giá của giá vàng thế giới và giá vàng nhẫn trong nước, chuyên gia kinh tế phân tích và nhận định, giá vàng thế giới tác động bởi nhiều yếu tố trên thị trường tài chính thế giới. Ngân hàng dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã chính thức giảm lãi suất 0,5% sau nhiều năm tăng lãi suất để chống lạm phát. Việc giảm lãi suất của Fed đã đẩy giá vàng lên. Trong khi đó, USD Index cũng đang ở ngưỡng trì trệ. Chính vì giá trị đồng đô la giảm xuống, giá vàng lại có đà tăng lên.
Bên cạnh việc Fed xoay chiều chính sách tiền tệ còn một số yếu tố khác đẩy giá vàng lên là vấn đề địa chính trị, xung đột cục bộ một số khu vực. Nhiều ngân hàng trung ương ở một số nước trên thế giới cũng đang tích cực mua vàng và coi vàng là một tài sản dự trữ quốc gia. Ngoài ra, tâm lý của các nhà đầu tư kỳ vọng vàng trong xu hướng tăng khiến họ mua vàng tích trữ. Hàng loạt các yếu tố đó đẩy giá vàng thế giới tăng tới mốc 2600 USD/ounce.
Dự báo giá vàng thế giới tiếp tục tăng trong năm nay và năm sau. Đến năm 2025, giá vàng có thể đạt mức 3000 USD/ounce. Nếu điều đó xảy ra thì giá vàng trong nước cũng chịu tác động. Nếu giá vàng miếng vẫn bị kiểm soát thì giá vàng nhẫn sẽ tăng mạnh trong thời điểm cuối năm và sang năm sau.
Giavang.net