Cậu sinh viên chạy xe ôm nuôi bốn đứa cháu mồ côi

1 tuần trước kia 6
)

TP HCM6h30 sáng, khi Hùng Phúc vừa đặt lưng ngủ sau một đêm chạy xe, mấy đứa cháu bắt đầu lục tục dậy đi học.

Trong căn nhà 8 m2 ở quận 10, Như Ý, 16 tuổi, mở cửa ra ngoài thật khẽ để tránh làm cậu Phúc thức giấc. Bé Nhật Vy, 3 tuổi, đến kệ tủ lấy bánh cậu mua sẵn, vừa ăn vừa bập bẹ "ba ba".

"Con bé nói 'ba' ý gọi cậu ba Phúc nhưng có thể nó coi cậu như cha vì mồ côi từ lúc mới được mấy ngày tuổi", ông ngoại Nguyễn Văn Hùng, 62 tuổi, giải thích.

Hùng Phúc dạy kèm hai cháu ở nhà thuộc quận 10, TP HCM, chiều 21/9. Ảnh: Ngọc Ngân

Hùng Phúc dạy kèm hai cháu ở nhà thuộc quận 10, TP HCM, chiều 21/9. Ảnh: Ngọc Ngân

Hùng Phúc, 25 tuổi, lớn lên trong gia đình nghèo khó với ba chị em. Ông Hùng (bố Phúc) từng là tài xế taxi phải bỏ nghề sau một lần nhồi máu cơ tim. Mẹ làm tạp vụ ở công viên Tao Đàn, đã nghỉ việc vì sức khỏe yếu.

Năm 2015, vừa học hết lớp 10, Phúc nghỉ ngang để phụ việc quán cơm, tiệm cà phê vì không muốn để bố mẹ chật vật chạy ăn từng bữa.

Nhưng nỗi thèm khát đi học vẫn âm ỉ trong lòng. Phúc nhớ những buổi chiều mưa tầm tã, cậu dắt xe cho khách rồi ngước nhìn lên tòa nhà gần đó thấy mọi người ngồi văn phòng gõ máy tính, nỗi tủi thân dâng trào.

"Tôi cảm thấy công việc này không cho mình tương lai", Phúc nói. Mấy năm sau, cậu tích lũy được vài triệu đồng, nộp đơn vào Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 10 xin đi học lại.

Ngày đi đến lớp, tối Phúc đăng ký chạy xe ôm công nghệ để có tiền trang trải. Được vài tháng dịch Covid-19 lên cao điểm, cậu thất nghiệp.

Tháng 8/2021, bố và Phúc mắc Covid-19 phải đi cách ly ở Bệnh viện dã chiến TP Thủ Đức. Chị gái Quỳnh Như (sinh năm 1987) đang ở tháng cuối thai kỳ cũng phát hiện dương tính cùng chồng.

Chị Như hạ sinh một bé gái ở Bệnh viện Hùng Vương rồi qua đời một tuần sau đó. Chồng cũng không qua khỏi. Họ bỏ lại bốn đứa con.

Phúc là người nhận tin vợ chồng chị qua đời. Cảm giác lúc đó như bầu trời đổ sập dưới chân mình. Cậu nhớ đôi tay mình run lẩy bẩy, ôm lấy vai người bố đang suy sụp tinh thần.

Hai tuần sau, Phúc xuất viện, đi nhận tro cốt chị gái. Đám tang mùa dịch không kèn trống, không người viếng, chỉ có Phúc ôm di ảnh chị, bốn đứa cháu tự bế nhau đi sau cậu.

Em bé hơn một tháng tuổi khát sữa, khóc ngằn ngặt, sốt cao liên miên. "Không cha mẹ thì còn cậu", Phúc vừa dỗ cháu vừa nói với cả nhà. Cậu đến bàn thờ chị, thắp nén nhang thay cho lời hứa sẽ chăm sóc bốn đứa nhỏ bơ vơ.

Xong đám tang, Phúc lên phường làm khai sinh cho cháu, đặt tên Nhật Vy. Cái tên Vy để đánh dấu ngày cháu chào đời trong mùa dịch Covid-19, Nhật để chỉ ánh mặt trời, mong đời cháu tươi sáng hơn.

Nhận tin bốn đứa trẻ mất cả cha mẹ trong đại dịch, chính quyền địa phương đã hỗ trợ kinh phí mua sữa, tã, thức ăn. Trường của các cháu lớn miễn học phí và các khoản đóng góp.

Nhưng gánh nặng kinh tế gia đình vẫn đổ dồn lên vai Phúc. Ngoài bố ốm đau và bốn đứa cháu, em trai cậu đang học cấp 3. Phúc chuyển sang chạy xe đêm, từ 0h đến sáng sớm hôm sau để được giá cước cao hơn. "Lúc nào không chịu nổi thì em gục tạm trên xe máy chợp mắt chục phút rồi vào nhà vệ sinh công cộng rửa mặt", Phúc kể. Mờ sáng, Phúc về nhà chợp mắt vài tiếng rồi soạn cặp đi học.

Trong tuần vẫn có một số ngày cậu phải ở nhà thay ca cho mẹ trông cháu. Mẹ Phúc đã ngoài 60 tuổi, không đủ sức khỏe để thức đêm nhiều. Chăm trẻ sơ sinh là việc quá lạ lẫm với chàng trai. Phúc phải học từng thứ nhỏ nhất như công thức pha sữa, lên mạng tìm hiểu cách xử lý khi cháu bị trớ sữa, hạ sốt. Có đêm, mẹ thức dậy đã thấy cậu cháu mệt lả, ôm nhau ngủ.

Hè 2022, bé Vy cứng cáp hơn chút cũng là lúc Phúc bước vào giai đoạn ôn thi đại học. Cậu đặt mục tiêu thi vào ngành logistic bởi hy vọng có nhiều cơ hội việc làm.

Phúc tải hết tài liệu ôn thi vào điện thoại, tranh thủ những lúc chờ nhận cuốc mở ra xem. Dưới ánh đèn đường, mắt Phúc nhòe mờ do mệt mỏi, căng thẳng, độ cận hai mắt tăng lên 12 đi ốp.

Thầy cô trong trường hay tin rất xót xa nên tạo điều kiện kèm cặp, hỗ trợ riêng cho cậu học trò. Ông Trương Bá Hải - giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 10, là người chứng kiến tất cả những chuyện này.

Ông Hải từng dạy lớp của Phúc trong một năm, nhận thấy cậu học trò rất siêng năng. Đôi lúc, cậu đến lớp với đôi mắt trũng sâu nhưng cố gắng tập trung, trách nhiệm với bài vở được giao, hiếm khi nghỉ học. "Phúc sống rất nghị lực, chúng tôi vẫn luôn nhắc về bạn ấy với lứa học sinh sau như tấm gương sáng", ông Hải nói.

Phúc kể, lần cậu cảm thấy bế tắc nhất là khi bé Nhật Vy sốt cao, nhập viện trong khi nhà không còn đồng nào. Hóa đơn tiền điện, nước cũng đến hạn thanh toán. Ông bà ngoại thay nhau túc trực trong viện chăm cháu, Phúc ở ngoài cúp học, nhận thêm cuốc để có tiền trang trải.

"Kiệt sức nhưng nhớ đến hình ảnh của người chị và lời hứa với mấy đứa cháu, em lại gượng dậy", Phúc kể. "Nhà thiếu trước hụt sau nhưng gắng gượng rồi mọi thứ cũng qua".

Gia đình Hùng Phúc ăn cơm trong căn nhà 8m2 ở quận 10, TP HCM, tháng 8/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Gia đình Hùng Phúc ăn cơm trong căn nhà 8 m2 ở quận 10, TP HCM, tháng 8/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tháng 9/2022, Phúc đỗ vào khoa Logistic của trường Cao đẳng Giao thông Vận tải TP HCM. Cùng lúc, câu chuyện của cậu xuất hiện trên một số kênh truyền thông, nhận được sự ủng hộ hơn 500 triệu đồng từ cộng đồng. Phúc dành toàn bộ làm sổ tiết kiệm cho bốn cháu.

Đến nay, cậu em trai út cũng đã là sinh viên, đang chạy xe đêm hỗ trợ thêm gia đình. Năm ngoái, gia đình Phúc đã được xóa khỏi danh sách hộ cận nghèo. Bốn cháu Như Ý (16 tuổi), Như Phúc (13 tuổi), Thiện Nhân (7 tuổi) và Nhật Vy (3 tuổi) đều khỏe mạnh.

Phúc biết trách nhiệm của mình không chỉ nuôi mà còn phải dạy cháu nên người. Thời gian rảnh, cậu chỉ cho từng đứa từ cách làm việc nhà cho đến cách đối xử với bạn cùng lớp. Mỗi tối, bé lớn hướng dẫn bé nhỏ học bài. Thời gian rảnh, Phúc đưa cháu đi công viên để chúng không bị "mất tuổi thơ"

"Tụi nhỏ dường như cũng hiểu chuyện nên chưa một lần nói về chuyện mồ côi", Phúc nói. "Tôi muốn bù đắp cho chúng tất cả những gì có thể".

Ngọc Ngân

Đọc toàn bộ bài viết
@2024