Cần Thơ sẽ khai thác 3 tuyến buýt sông đặc trưng miền Tây Nam Bộ

2 nhiều tháng trước kia 39
)

 T.L

Ông Nguyễn Văn Hiếu - bí thư Thành ủy Cần Thơ - đi khảo sát các tuyến sẽ khai thác buýt sông - Ảnh: T.L

Chuyến khảo sát trên các tuyến sông Hậu (rạch Khai Luông và Cồn Khương), sông Bình Thủy, sông Cần Thơ thuộc địa bàn các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng và huyện Phong Điền.

Tuyến buýt sông dài đến 38km

Đây là các tuyến sông có các cảng, bến, điểm dừng phục vụ các tuyến vận tải hành khách công cộng đường thủy nội địa trên địa bàn Cần Thơ, sắp tới sẽ được đầu tư xây dựng để phục vụ phát triển kinh tế, đô thị ven sông của thành phố.

Theo Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ, quy hoạch thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có quy hoạch phát triển các tuyến vận tải hành khách công cộng đường thủy nội địa (các tuyến buýt đường thủy).

Song song đó là việc xây dựng các cảng, bến, điểm dừng đón trả khách phục vụ kết nối với các tuyến buýt đường thủy trên hai tuyến đường thủy nội địa quốc gia là sông Hậu và sông Cần Thơ. Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2024 - 2030.

Sở Giao thông vận tải đề xuất phương án phát triển ba tuyến buýt đường thủy trên sông Hậu và sông Cần Thơ. Cụ thể, tuyến buýt đường thủy số 1 đi theo tuyến sông Hậu, điểm đầu tại bến cảng khách quốc tế Cần Thơ tại khu vực phía trước công viên sông Hậu, quận Ninh Kiều và điểm cuối tại khu vực trung tâm quận Thốt Nốt.

Chiều dài tuyến buýt sông trên là khoảng 38km (qua địa bàn các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt).

 T.L

Đoàn khảo sát buýt sông dọc sông Cần Thơ - Ảnh: T.L

Các cảng, bến, điểm dừng đón trả khách trên sông Hậu phục vụ kết nối với tuyến buýt theo định hướng quy hoạch bao gồm: bến cảng khách quốc tế Cần Thơ (bến chính của tuyến buýt), dự kiến bố trí từ 1-2km sẽ có một điểm dừng tại các khu đô thị, thương mại dịch vụ, khu dân cư, khu du lịch tại vị trí có kết nối với trục đường ô tô và có đủ điều kiện quỹ đất xây dựng kết cấu hạ tầng bến, bãi của điểm dừng. 

Đồng thời tuyến buýt sông còn kết nối với các cảng, bến thủy nội địa hành khách theo quy hoạch chung thành phố và quy hoạch phân khu các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt.

Buýt sông kết hợp cả vận tải và du lịch

Tuyến buýt đường thủy số 2 đi dọc theo sông Cần Thơ, điểm đầu tại bến cảng khách quốc tế Cần Thơ (khu vực phía trước công viên sông Hậu, quận Ninh Kiều) và điểm cuối tại khu vực trung tâm huyện Phong Điền. Chiều dài toàn tuyến khoảng 21km (qua địa bàn các quận Ninh Kiều, Cái Răng, huyện Phong Điền).

Tuyến buýt đường thủy số 3 đi dọc sông Hậu, điểm đầu tại bến cảng khách quốc tế Cần Thơ tại khu vực phía trước công viên sông Hậu, quận Ninh Kiều và điểm cuối tại cảng hành khách ở khu đô thị 586, quận Cái Răng. Chiều dài tuyến khoảng 7,5km (qua địa bàn các quận Ninh Kiều, Cái Răng).

Đối với các tuyến quy hoạch phát triển buýt đường sông, bí thư Thành ủy Cần Thơ cho rằng nếu chỉ khai thác dịch vụ buýt đường sông thì sẽ lãng phí bởi chỉ có một công năng duy nhất là vận tải. 

Trong khi đó, Cần Thơ là thành phố sinh thái sông nước nên khi nói đến buýt sông thì phải nghĩ ngay đến phục vụ cả vận tải và du lịch. Trong đó du lịch là định hướng phát triển kinh tế lâu dài của thành phố, còn vận tải là phương tiện phục vụ nhu cầu di chuyển của người dân, du khách.

Ông Nguyễn Văn Hiếu đề nghị Sở Xây dựng sớm nghiên cứu một số vị trí dọc các tuyến sông Cần Thơ, sông Bình Thủy, rạch Khai Luông… để thực hiện quy hoạch 1/2000 và quy hoạch các đô thị dọc theo sông. Từ đó làm cơ sở khai thác quỹ đất hoặc cho phép người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất để phát triển các khu đô thị cao tầng ven các tuyến sông này.

Đọc toàn bộ bài viết
@2024